HAO HỤT NƯỚC LÀM MÁT Ô TÔ VÀ GIẢI PHÁP XỬ LÝ KHẨN CẤP?

Nước làm mát là một thành phần rất quan trọng cho động cơ ô tô. Nó giúp giảm nhiệt độ khi động cơ vận hành, nhằm mục đích không để động cơ quá nhiệt và bảo vệ một số chi tiết máy. Ngoài ra, nó còn dùng để cấp nhiệt cho hệ thống sưởi ấm trong cabin khi cần thiết.

 Cảnh báo mực nước thấp và thiếu nước làm mát.

Đóng vai trò quan trọng như vậy nên khi xe báo hiệu nước làm mát bị hao hụt cần can thiệp xử lý kịp thời để bảo vệ động cơ xe. Khi đang lái xe mà thấy trên đồng hồ báo thiếu nước làm mát hoặc đồng hồ nhiệt độ lên cao hoặc lượng nước dự phòng trong bình nước phụ hao hụt một cách bất thường. Đây có thể khả năng xe đang bị hao hụt nước làm mát.

I/ CÁCH NHẬN BIẾT XE Ô TÔ HAO HỤT NƯỚC LÀM MÁT:

Để nhận biết rõ hơn hiện tượng hụt nước làm mát khi lái xe nên quan tâm một số vấn đề sau:

  • Đồng hồ báo mực nước.
  • Đồng hồ báo nhiệt độ động cơ.
  • Mực nước dự phòng trong bình nước phụ.
  • Nhìn thấy các vệt nước đọng dưới gầm xe hoặc các hốc kín bên trong động cơ.

II/ NGUYÊN NHÂN HAO HỤT NƯỚC LÀM MÁT

Hụt nước làm mát thường gây nên bởi 2 nguyên nhân: nguyên nhân từ bên ngoài và từ bên trong.

NGUYÊN NHÂN HAO HỤT NƯỚC LÀM MÁT TỪ BÊN NGOÀI: Nguyên nhân gây nên hiện tượng làm hụt nước làm mát ô tô do nước làm mát bị rò rỉ ra bên ngoài như:

1/ Rò rỉ nước trên đường ống dẫn nước làm mát:

Hệ thống ống dẫn nước đưa nước đến các chi đến các chi tiết cần được giải nhiệt. Trên đường ống có các khớp nối, ngã 3 chia nước đến các chi tiết.  Hoạt động trong môi trường làm việc khắc nghiệt và thời gian sử dụng lâu dài làm cho chất liệu bị thoái hóa, các mối nối không còn chặt như trước sẽ làm nước rò rỉ bên ngoài.

2/ Két nước:

Két nước là bộ phận giải nhiệt chính cho nước làm mát (Radiator). Chúng ta có thể tạm hiểu: bình nước làm mát là nơi dự trữ và cung cấp nước cho các thiết bị. Nó là nơi giải nhiệt để nước tiếp tục làm việc. Két nước được cấu thành từ những thanh tản nhiệt nhỏ và lá kim loại mỏng nên rất dễ bị tổn hại khi xe vận hành (đá văng khi xe đang chạy tốc độ cao, do kim loại chế tạo bị oxi hoá dẫn đến ăn mòn và dẫn đến phá huỷ kết cấu….)

3/ Hở nắp đậy hệ thống làm mát: 

Tuỳ theo dòng xe mà nắp đậy hệ thống làm mát được bố trí, có thể nằm trực tiếp trên đỉnh két nước hoặc nắp của bình nước phụ. Các nắp đậy này thường có cấu tạo làm kín bằng ron cao su. Sau một thời gian vận hành. các ron bị lão hoá chai cứng hoặc rách dẫn đến không làm kín được hệ thống khiến nước làm mát chảy ra ngoài hoặc bay hơi khi nhiệt độ đang cao. Nắp nước đóng vai trò là van an toàn để bảo vệ hệ thống làm mát quá áp.

4/ Các lỗ gia công bị hở:

Thân động cơ hay lốc máy được chế tạo cực kỳ phức tạp và phải đảm bảo những yêu cầu kỹ thuật , nên sẽ có những điểm mà máy gia công sẽ phải khoan xuyên qua lốc máy. Những điểm đầu cuối của lỗ khoan đó sẽ được bịt lại bằng những nút kim loại (cánh thợ máy hay gọi là đồng tiền). Theo năm tháng, những nút bịt này có thể sẽ bị ăn mòn, biến dạng… dẫn đến rò rỉ nước làm mát.

NGUYÊN NHÂN HAO HỤT NƯỚC LÀM MÁT TỪ BÊN TRONG:

5/ Mặt ron nắp quy lát bị hỏng:

Ron (joint) nắp quy lát là bộ phận làm kín giữa mặt nắp máy với thân máy. Ron phải làm việc trong môi trường khắc nghiệt, áp suất buồng đốt lớn, nhiệt độ cao… nên dễ gây ra hiện tượng rách ron. Nước làm mát có thể lọt qua các vết rách này sang đường dầu bôi trơn (hiện tượng nước qua nhớt) hoặc lọt vào buồng đốt động cơ.

6/ Nứt xi lanh động cơ:

Động cơ ô tô được cấu tạo hết sức cầu kỳ, trong đó xi lanh được chế tạo đặc biệt vì nó có 1 lớp “áo nước” bao quanh. Lớp “áo nước” này thực chất là những khoang chứa nước làm mát thông với nhau với mục đích tản nhiệt cho xi lanh. Thứ duy nhất ngăn cách giữa nước làm mát và buồng đốt của động cơ là vách của xi lanh, ở một trường hợp hy hữu nào đó nếu thành của xi lanh rạn nứt thì chắc chắn là nước làm mát sẽ lọt vào.

Với một số xe dùng hộp số tự động có thêm két làm mát dầu hộp số, khi các két dầu này bị hư hỏng thì cũng là một nguyên nhân dẫn đến hiện tượng hao hụt nước.

III/ HẬU QUẢ

  • Đối với động cơ thì việc hao hụt nước làm mát dễ dẫn đến tình trạng hết nước làm mát mà người điều khiển xe không biết. Và việc hết nước làm mát là cực kỳ nguy hiểm. Động cơ luôn toả nhiệt khi vận hành, nước làm mát không còn sẽ không giải nhiệt được dẫn đến việc các chi tiết kim loại như piston + xi lanh quá nóng, giãn nở gây bó kẹt động cơ (hiện tượng lúp bê).
  • Nước làm mát bị lẫn qua dầu hộp số có thể gây hỏng dầu làm xe không chạy được hoặc tệ hơn là hỏng cả hộp số (chi phí cho việc thay dầu hộp số khá tốn kém) nên chúng ta không nên xem nhẹ tình trạng này. Tìm hiểu thêm về việc nhớt lòn qua nước làm mát tại NHỚT LÒN QUA NƯỚC LÀM MÁT & CÁCH XỬ LÝ 

Nhớt lòn qua nước làm mát

IV/ CÁCH KIỂM TRA NƯỚC LÀM MÁT & GIẢI PHÁP

Hao hụt nước làm mát sẽ dẫn đến nóng động cơ nên khi đang lái xe mà động cơ báo quá nhiệt thì cách tốt nhất: cho xe tấp vào lề hoặc vị trí đỗ an toàn nhanh nhất có thể.  Sau đó, tắt động cơ và thực hiện các thao tác kiểm tra. Lưu ý khi kiểm tra hao hụt nước làm mát cần nghiêm túc thực hiện theo hướng dẫn của AUTOVN911 để đảm bảo an toàn. Trình tự thực hiện các bước kiểm tra:

  • Mở nắp capo. Thao tác này phải thật sự cẩn thận vì hơi nước sôi có thể sẽ phà vào người và gây bỏng ngay tức khắc (trường hợp bể ống nước).
  • Sau khi giật được lẫy capo thì tốt nhất nên mở capo lên tầm 15-20cm để kiểm tra xem có hơi nước phả ra hay không, nếu có thì phải đậy capo lại và đợi đến khi an toàn.
  • Tìm 1 cái khăn (giẻ lau xe, hoặc nếu trong trường hợp cấp bách thì có thể tận dụng cả áo khoác, mũ lưỡi trai…) và nhúng ướt bằng nước lạnh nếu được. Kiểm tra các ống nước lớn: trùm khăn vào các ống nước và bóp xem các ống này có bị căng hay không. Nếu các ống này đang bị căng cứng thì không nên mở nắp của két nước làm mát.

Trong trường hợp buộc phải mở nắp két nước làm mát kiểm tra thì nên tuần thủ một số thao tác sau để đảm bảo an toàn:

  • Trùm khăn ướt lên nắp của két nước.
  • Tay thuận giữ lấy miếng khăn và nắm chặt nắp két nước. Tư thế đứng nép sang một bên không nên đứng trực diện với nắp nước. Đầu hơi chếch sang một chút, đủ để quan sát khi tay thao tác. Tránh để nước nóng bắn vào mặt.
  • Tay vặn mở, nên vặn mở từ từ và cẩn trọng, dùng lực ép nắp nước xuống Vì có thể áp lực nước khi sôi có thể đẩy nắp nước bật lên cao.
  • Trường hợp nước bị trào ra ngay thì có thể vặn mở theo nguyên tắc MỞ – ĐÓNG – MỞ – ĐÓNG… cứ lặp lại như vậy đến khi áp lực nước trong hệ thống giảm hết.

Sau khi đã hoàn thành việc kiểm tra lượng nước làm mát trên xe ô tô, chúng ta châm thêm nước làm mát nếu lượng nước đã cạn. Sau đó, quan sát kỹ xem có bị chảy thành dòng hoặc rò rỉ ở các khớp nối hay không?

+ Nếu mọi thứ ổn thì tiến hành đề nổ máy tại chỗ và kiểm tra đồng hồ nhiệt.  Nếu kim nhiệt báo ở mức an toàn thì hiện tại có thể tạm khắc phục và tiếp tục hành trình.

+ Trường hợp kim nhiệt vẫn báo nguy hiểm, chúng ta nên tiếp tục chờ cho máy nguội khoảng 15-20 phút, sau đó khởi động lại xe.

+ Trường hợp sau khi thao tác theo các hướng dẫn trên, kim vẫn ở vach nguy hiểm thì cách tốt nhất là gọi cứu hộ.

Trường hợp kim nhiệt báo ở mức an toàn sau khi xử lý tại chỗ và tiếp tục cuộc hành trình, các bác tài không nên chủ quan, cần mang xe đến gara uy tín để được xử lý kịp thời và tầm soát những rủi ro cho người trên xe.

_ _ _

CÔNG TY TNHH TM DV AUTO911 (Gọi tắt: AUTOVN911) chuyên cung cấp dịch vụ bảo trì, bảo dưỡng ôtô. Đồng thời cung cấp phụ tùng, phụ kiện ôtô chính hãng 100%. AUTOVN911 hoạt động trên tiêu chí: chuyên nghiệp – uy tín – bền vững, chúng tôi cam kết đem đến quý khách những dịch vụ sửa chữa ôtô tốt nhất, mang đến sự hài lòng cao nhất với chi phí hợp lí nhất.

Thông tin liên hệ: AUTOVN911
CTY TNHH TM DV AUTO911
🏢 Địa chỉ: 1010 Phạm Văn Đồng, Phường Hiệp Bình Chánh, Tp. Thủ Đức, Tp.HCM, VN.
📲 Hotline: 096 903 59 79
📬 Email: nguoisuaxe911@gmail.com
🌐 Website: http://autovn911.com / https://auto911.vn

Tác giả: AUTOVN911

Facebook Youtube
backtotop hover